CHUYÊN MỤC / Nghiên cứu, trao đổi

Những kinh nghiệm công tác khiếu tố của Viện KSND tỉnh Hưng Yên

13/10/2017 | 506

: "Ở đâu có sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện và sự nhiệt huyết của cán bộ được phân công đảm nhiệm công tác khiếu tố thì ở đó thực hiện tốt việc duy trì và đảm bảo hoạt động khiếu tố của ngành, đồng thời giữ vững tình hình không có khiếu kiện đông người vượt cấp".

Trong quá trình thực hiện công tác khiếu tố ở địa phương. Với kinh nghiệm của cá nhân đã có thời gian dài được phân công đảm nhiệm công tác khiếu tố, tôi luôn tâm đắc và rút ra một điều rằng: "Ở đâu có sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện và sự nhiệt huyết của cán bộ được phân công đảm nhiệm công tác khiếu tố thì ở đó thực hiện tốt việc duy trì và đảm bảo hoạt động khiếu tố của ngành, đồng thời giữ vững tình hình không có khiếu kiện đông người vượt cấp". Dưới đây là một số kinh nghiệm trong hoạt động khiếu tố của Viện kiểm sát nhân dân:

1. Công tác tiếp công dân

Cán bộ tiếp công dân phải lắng nghe nội dung công dân trình bày để phân loại và xử lý ngay. Những trường hợp nào thuộc thẩm quyền thì nhận đơn, nếu không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan khác có thẩm quyền để đề nghị giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy chế 59/2006 -QĐ-VKSTC-V7 ngày 06/2/2006 của Viện KSND tối cao (Quy chế 59).

Những đơn thuộc thẩm quyền của Viện KSND phải nhận qua tiếp công dân bao gồm những loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; quá trình thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và các việc khác theo quy định của pháp luật, những đơn về công tác bắt, giam, tha, công tác thi hành án, đơn đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự, hành chính...

Trong quá trình tiếp công dân, nếu liên quan đến phòng nghiệp vụ nào cần phải giải thích cho công dân thì bộ phận khiếu tố (Phòng 7) mời phòng nghiệp vụ đó phối hợp cùng tiếp để giải thích cho công dân hiểu, thực hiện đảm bảo quyền, lợi ích của mình.

Việc tiếp công dân phải được ghi chép chi tiết, phản ánh đầy đủ nội dung công dân trình bày, trường hợp nhận đơn phải ghi đầy đủ những tài liệu đã nhận.

Lưu ý:Tại trụ sở tiếp công dân kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ tiếp công dân không được nhận những đơn chống án (kháng cáo) sơ thẩm về hình sự (theo Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự) và bản án xét xử sơ thẩm dân sự (theo Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự); bản án, quyết định xét xử sơ thẩm về hành chính (Điều 175 Luật tố tụng hành chính), người kháng cáo phải gửi đơn đến Toà án đã xét xử cấp sơ thẩm.

Tại nơi tiếp công dân nếu hướng dẫn và nhận đơn đúng thì sẽ đảm bảo cho công dân thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ và đảm bảo về thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Nếu hướng dẫn, nhận đơn sai thì sẽ gây bức xúc cho công dân và hết thời hạn kháng cáo của công dân, gâykhó khăn cho các đơn vị cấp dưới. Bởi vì công dân cứ căn cứ vào các giấy tờ hướng dẫn của cấp trên để yêu cầu cấp dưới phải giải quyết mà nội dung đó không thuộc thẩm quyền của cấp mình.

2. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn

Việc tiếp nhận đơn:Mọi nguồn đơn đến đều phải vào sổ theo dõi, quản lý, quá trình đọc đơn, tóm tắt nội dung đơn, nếu thấy những tài liệu hoặc đơn công dân gửi thiếu, không đủ căn cứ để phân loại, xử lý thì phải yêu cầu công dân tiếp tục cung cấp nhất là những đơn chống án yêu cầu phải có bản án gửi kèm theo đơn, sau đó thực hiện việc phân loại, xử lý. Việc nghiên cứu kỹ nội dung đơn góp phần cho việc phân loại đơn chính xác, tránh được tình trạng gửi đơn vòng vo, vượt cấp.

Phân loại, xử lý đơn:

Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thì thụ lý, báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách để chuyển cho các phòng nghiệp vụ nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết (Điều 12 Quy chế 59).

Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp khác nhưng VKSND có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết, sau khi tiếp nhận vào sổ quản lý và báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan có trách nhiệm chuyển đơn đến các cơ quan tư pháp giải quyết và thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết của các cơ quan tư pháp đó (Điều 12 Quy chế 59 và Điều 6 Quyết định số 487/QĐ-V7 ngày 4/9/2008 của Viện KSND tối cao).

Hàng tuần, tháng, Phòng 7 đối chiếu với phòng nghiệp vụ về kết quả giải quyết của phòng nghiệp vụ và thông báo kết quả giải quyết của các cơ quan tư pháp đối với đơn thuộc trách nhiệm.

Đối với những đơn khiếu nại, kiến nghị phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND thì thông báo chỉ dẫn, trả lại đơn công dân, hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (việc thông báo chỉ dẫn chỉ thực hiện 1 lần). Riêng trường hợp đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền hoặc thuộc trách nhiệm giải quyết của VKSND cấp khác hoặc địa phương khác thì phải chuyển đến các đơn vị đó để giải quyết (Điều 11 Quy chế 59).

Đối với những đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo tin cho người có đơn biết. Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân, sau khi nhận đơn vào sổ thụ lý và báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách để chuyển các phòng nghiệp vụ nghiên cứu đề xuất biện pháp giải quyết, đồng thời báo tin cho người có đơn biết.

Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.

Trước  hết cần đọc kỹ nội dung đơn để xác định thẩm quyền giải quyết, đối tượng bị khiếu nại (tố cáo). Thời hạn, trình tự quy trình giải quyết thực hiện theo các quy định của tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và Quy chế 59.

3. Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp.

 Thông qua hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, khi bị can, đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết của các cơ quan đó mà có khiếu nại, tố cáo thì thẩm quyền các cơ quan đó phải giải quyết. Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan này xem có đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền hay không.

 Theo quy định của pháp luật và quy chế của ngành thì các phòng nghiệp vụ (Phòng 1; 1A; 2; 3; 4; 5; 12) được giao nhiệm vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp cùng cấp có trách nhiệm phối hợp với Phòng 7 để thực hiện cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại tố cáo (các phòng nghiệp vụ chịu trách nhiệm kiểm sát về nội dung giải quyết, phòng 7 chịu trách nhiệm kiểm sát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết...). Trong quá trình thực hiện kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thì tuỳ theo tình hình cụ thể mà áp dụng các biện pháp kiểm sát như: Biện pháp yêu cầu ra văn bản giải quyết; yêu cầu kiểm tra việc giải quyết; yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu hoặc biện pháp trực tiếp kiểm sát (không nhất thiết phải áp dụng tuần tự tất cả các biện pháp). Kết thúc cuộc kiểm sát Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị việc vi phạm pháp luật đối với cơ quan được kiểm sát, yêu cầu khắc phục sửa chữa.

                                    Đoàn Mạnh Phong – Viện KSND tỉnh Hưng Yên

Thông tin nội bộ