CHUYÊN MỤC / Nghiên cứu, trao đổi

Giải quyết vụ án như thế nào khi đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập, sau đó thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án?

09/02/2023 | 2970

Trong thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự gặp không ít trường hợp trong quá trình chuẩn bị xét xử, các đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập, đến khi tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự lại thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Vậy, trong trường hợp này Tòa án sẽ ban hành quyết định gì để giải quyết vụ án?

Ví dụ: Vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa nguyên đơn là anh Phạm Quang Huy và bị đơn là chị Lưu Thị Mến, do Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý số 14/2022/TLST- HNGĐ ngày 20/5/2022. Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung; bị đơn có yêu cầu phản tố, đề nghị giải quyết về tài sản chung vợ chồng và đã được Tòa án thụ lý theo quy định. Giai đoạn thu thập chứng cứ, chị Mến rút yêu cầu phản tố. Đến khi Tòa án tiến hành hòa giải, anh Huy và chị Mến thỏa thuận được với nhau về quan hệ hôn nhân và con chung.

          Để giải quyết vụ án nêu trên có hai quan điểm:

          Quan điểm thứ nhất cho rằng trong trường hợp này Tòa án đồng thời ban hành hai quyết định, quyết định đình chỉ đối với phần yêu cầu đương sự đã rút và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đối với phần các đương sự thỏa thuận được.

          Quan điểm thứ hai cho rằng khi có người rút yêu cầu trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì Tòa án ban hành Quyết định công nhận thuận sự thỏa thuận của các đương sự và ghi nội dung đình chỉ đối với yêu cầu mà bị đơn đã rút  yêu cầu. Đây cũng là quan điểm của Thẩm phán giải quyết vụ án trong ví dụ nêu trên.

          Tuy nhiên, khi xem xét đến cơ sở pháp lý thì cả hai quan điểm nêu trên đều có phần chưa thỏa đáng:

          Nếu theo quan điểm thứ nhất thì chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán chỉ được ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử. Theo quy định này thì chỉ có quyết định đình chỉ vụ án chứ không có đình chỉ một phần vụ án. Việc ban hành 02 quyết định giải quyết 01 vụ án cũng không đúng với hướng dẫn tại Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Toà án nhân dân tối cao: “... Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án”.

          Nếu đình chỉ một phần yêu cầu trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quan điểm thứ hai thì một mặt không đúng với tính chất “Công nhận sự thỏa thuận”, các đương sự không có quyền thỏa thuận việc đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ phần rút yêu cầu. Việc đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ phần yêu cầu khởi kiện phải dựa vào căn cứ được quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, quyết định đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Việc Quyết định công nhận sự thỏa thuận ghi nội dung đình chỉ một phần vụ án đã làm mất đi quyền kháng cáo của các đương sự, quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát. Giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao được trích dẫn ở trên chỉ được áp dụng trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử và Tòa án ban hành bản án chứ không được áp dụng trong trường hợp công nhận thỏa thuận.

          Để giải quyết vấn đề này phù hợp với quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, theo quan điểm cá nhân tôi, nếu trước và trong phiên hòa giải, khi có đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập thì Tòa án ghi nhận đây là nội dung các đương sự thỏa thuận không đề nghị Tòa án giải quyết. Hết thời hạn 7 ngày nếu không có đương sự thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự theo thủ tục chung.

Nguyễn Thanh Hà – Phòng 9 VKSND tỉnh Hưng Yên


Thông tin nội bộ