CHUYÊN MỤC / Đầu tư đấu thầu

Một số dạng vi phạm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự

13/10/2017 | 540

          Thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự cho thấy kinh nghiệm trong việc nhận diện các dạng vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự là một cơ sở giúp nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị nói riêng và chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung. Thông qua kết quả kiểm sát công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự hai cấp tỉnh Hưng Yên năm 2016, Viện kiểm sát tỉnh Hưng Yên phát hiện một số dạng vi phạm thường gặp của cơ quan thi hành án dân sự  và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nay như sau:

          - Những dạng vi phạm chủ yếu trong việc lập hồ sơ thi hành án là: Các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ  thi hành án dân sự (THADS) còn sắp xếp lộn xộn không theo thứ tự thời gian; Tẩy xóa bút lục, ảnh hưởng đến tính chính xác của hồ sơ; Không lưu trữ đầy đủ các tài liệu phải có trong hồ sơ (thiếu chứng từ, thiếu giấy tờ chứng minh nhân thân của người được nhận tiền và tài sản…);  Hồ sơ xong nhưng tài liệu có trong hồ sơ chưa hoàn thiện. Những việc làm trên của Cơ quan THADS là vi phạm quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp và Điều 17 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ .

           -Trong việc ra các quyết định về thi hành án, vi phạm thường ở việc tách nội dung để ra nhiều quyết định, không đúng quy định tại Điều 6 Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.

          - Trong việc xác minh, xác định điều kiện thi hành án, chấp hành viên chậm thực hiện xác minh thi hành án, cá biệt có trường hợp không tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành án. Lập biên bản xác minh không đảm bảo yêu cầu, nhiều khi mang tính đối phó, biên bản xác minh không đáp ứng được mục đích của việc xác minh; có trường hợp Chấp hành viên không ký tên vào biên bản làm việc. Chấp hành viên đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành cả những việc người phải thi hành án có tài sản; Viện dẫn căn cứ chưa chính xác, không đúng với kết quả xác minh khi ra quyết định xác định việc chưa có điều kiện thi hành án, nội dung quyết định chưa đầy đủ. Nội dung này vi phạm quy định tại Điều 44; Điều 44a Luật THADS; Điều 9 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.

          - Quá thời hiệu yêu cầu thi hành án nhưng  Cơ quan THA dân sự vẫn ra quyết định thi hành là vi phạm  quy định tại Điều 30 Luật THADS; Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

          - Trong việc xử lý vật chứng, các vi phạm hay xảy ra là: Ban hành lệnh nhập kho thiếu số lượng vật chứng, thiết lập biên bản giao nhận vật chứng không có thành phần thủ kho; nhập kho không đúng số lượng vật chứng; phiếu nhập, phiếu xuất kho thiếu chữ ký của người giao, nhận vật chứng ... Những nội dung này không đúng quy định tại các Điều 122, 123, 124 Luật THADS và Điều 5 Thông tư 22/2011/TT-BTP(nay là Thông tư 01 của Bộ Tư pháp).

          - Các dạng vi phạm trong lĩnh vực kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản chủ yếu là: Nội dung kê biên thiếu chính xác; Không thông báo dự trù chi phí cưỡng chế gửi cho đương sự; không thực hiện gửi quyết định cưỡng chế; sử dụng kết quả thẩm định trước khi kê biên làm giá khởi điểm bán đấu giá tài sản; Không lập biên bản việc thoả thuận về giá...Việc làm này vi phạm quy định tại Điều 39, Điều 70, Điều 73, Điều 74, Điều 98, Điều 101 Luật THADS; Điều 28 Nghị định 17/2010 của Chính phủ và Điều 14 Thông tư 23/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

          - Trong việc thu chi tiền thi hành án, nghiệp vụ kế toán, vi phạm chủ yếu là: Chậm gửi tiền vào tài khoản tạm gửi hoặc tiết kiệm theo quy định của pháp luật, chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước; chậm nộp số tiền mặt tồn quỹ vào tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước; chậm chi trả tiền thi hành án, chứng từ thu, chi chưa chặt chẽ, thiếu chứng từ gốc đính kèm phiếu chi, vi phạm quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự.

          Trên cơ sở kết quả kiểm sát phát hiện những vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, trong năm 2016 hai cấp kiểm sát tỉnh Hưng Yên đã ban hành 15 kiến nghị, 2 kháng nghị, đều được cơ quan thi hành án dân sự tiếp thu, khắc phục, sửa chữa.

          Từ kinh nghiệm trong việc phát hiện các dạng vi phạm nêu trên rút ra một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự như sau:

Thứ nhất: Đổi mới về nhận thức, nâng cao vai trò và tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Qua đó khẳng định được sự tự tin, bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ mới.

Thứ hai: Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Toà án và sự phối hợp tốt với UBND các cấp, qua đó để có thêm thông tin, căn cứ, phục vụ cho việc giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể.

Thứ ba: Bố trí, sắp xếp cán bộ, Kiểm sát viên hợp lý, có trình độ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu chuyên sâu, có tâm huyết và nắm chắc các quy định của pháp luật.

Thứ tư: Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần quan tâm đẩy mạnh công tác tổng hợp kiến nghị, kháng nghị đối với các hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan thi hành án dân sự. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát trực tiếp; phúc tra; kiểm sát việc xác minh xác định không có điều kiện thi hành án; .... Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo công tác kiểm sát thi hành án ngày càng có hiệu quả cao, nâng cao hơn nữa vị trí của Ngành trong kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát thi hành án dân sự nói riêng.

Trần Thị Phương Chi - Phòng 11, Viện KSND tỉnh


Thông tin nội bộ