CHUYÊN MỤC / Tin trong nước

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

23/11/2022 | 555

Với 465/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 

 Với 465/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 Chiều 14/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 Kết quả, với đa số đại biểu tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

 
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 14/11. Ảnh: QH

 Trước khi Quốc hội thông qua Luật này, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, bỏ 3 điều, bổ sung 3 điều.

 Bên cạnh đó, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới gồm:

 Thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

 Thứ hai, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.

 Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

 Thứ tư, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

 Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 14/11. Ảnh: QH

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

 Quá trình xây dựng luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

 Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Đỗ Thoa (dangcongsan.vn)

Thông tin nội bộ