CHUYÊN MỤC / Kiểm sát viên viết

Trao đổi về việc áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự

05/10/2018 | 2684

Sau khi đọc bài viết “Nhận thức và áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015” của tác giả Nguyễn Minh Tiến đăng trên Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên ngày 25/9/2018, trước tiên tôi nhất trí với tác giả về thời điểm áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự là sau khi đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Tuy nhiên, về lý giải của tác giả Nguyễn Minh Tiến có phần tôi không đồng ý, cụ thể:

Thứ nhất, tác giả Nguyễn Minh Tiến cho rằng hai khái niệm “người phạm tội” và “người thực hiện tội phạm” quy định tại Điều 29 - Bộ luật hình sự là hai khái niệm khác nhau. Nhưng theo tôi, khi gắn với các thành tố khác của câu từ trong Điều 29 Bộ luật hình sự thì khái niệm “Người phạm tội” và “Người thực hiện tội phạm” là hai khái niệm có nghĩa hoàn toàn giống nhau (cùng để chỉ một chủ thể cụ thể đã thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm). Theo đó, thuật ngữ “người thực hiện tội phạm” quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự là để nói đến người phạm tội thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứa không phải được áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm như ở khoản 1 và 2 của Điều 29 Bộ luật hình sự.

Mặt khác, tác giả Nguyễn Minh Tiến cho rằng do có sự khác nhau giữa hai khái niệm “Người phạm tội” và “Người thực hiện tội phạm” dẫn đến việc miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự được tiến hành sau khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can, điều này lại mâu thuẫn với chính các quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự. Một số điểm tại khoản 1 và 2 của Điều luật này quy định rất rõ ràng: “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử...” có nghĩa rằng các trường hợp này chỉ có thể miễn trách nhiệm hình sự khi đã khởi tố vụ án hình sự (không như lý giải của tác giả về việc người phạm tội có thể là người không có năng lực trách nhiệm hình sự).

Quan điểm của cá nhân tôi, việc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự chỉ được áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án và khởi tố và khởi tố bị can với ba lý do sau:

Thứ nhất: Quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự là quy phạm tùy nghi, không phải bất cứ người phạm tội nào đáp ứng đủ các điều kiện đã liệt kê trong quy định này đều đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự mà phụ thuộc vào các trường hợp phạm tội cụ thể, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội… Để thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh những vấn đề này, làm căn cứ xem xét, cân nhắc việc miễn trách nhiệm hình sự có thỏa đáng không, có đạt được mục đích của Luật hình sự hay không thì cần tiến hành các hoạt động điều tra, trong đó một số biện pháp điều tra chỉ có thể tiến hành sau khi đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

Thứ hai: Theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01, ngày 29/12/2017 thì kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể ra 1 trong 3 quyết định là: Khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ giải quyết. Tuy nhiên, theo Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự lại không có quy định nào không khởi tố vụ án hình sự vì được miễn trách nhiệm hình sự (trừ trường hợp tội phạm đã được đại xá).

Thứ ba: Tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự thì khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án hình sự. Điều 179 của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Các quy định này có nghĩa rằng trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có đủ các căn cứ luật định. Không cần thiết và cũng không được phép xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự khi chưa khởi tố vụ án và khởi tố bị can để điều tra.

 Trên đây là nhận thức của cá nhân tôi đối với quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015. Thực tiễn vẫn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc hiểu và áp dụng quy định này, rất mong Cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.

                                                                                                                                               Nguyễn Thanh Hà

                                                                                                                                         Viện KSND huyện Phù Cừ


Thông tin nội bộ