CHUYÊN MỤC / Kiểm sát viên viết

Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng

26/09/2018 | 7595

Được gia đình tổ chức đám cưới và có gần 30 năm chung sống hạnh phúc, nhưng đến lúc nảy sinh mâu thuẫn đưa nhau ra tòa ly hôn hai người mới vỡ lẽ họ chưa từng được pháp luật công nhận là vợ chồng.

 

Nguồn: internet.com

         Đầu tháng 9 năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Y mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hôn nhân” giữa nguyên đơn: bà Trần Thị M, sinh năm 1974 và bị đơn: ông Phạm Văn T, sinh năm 1969. Cùng HKTT: thôn K, phường L,  thành phố H.

         Năm 1990, bà M và ông T được hai bên gia đình tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán tại địa phương và chung sống với nhau tại thôn K, phường L, thành phố H, tỉnh Y nhưng không đăng ký kết hôn. Cuộc sống vợ chồng của ông bà hạnh phúc đến năm 2014 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng không tin tưởng nhau, nghi ngờ lẫn nhau. Bà M cho rằng ông T có quan hệ ngoại tình về nhà đánh cãi chửi nhau với bà và đuổi bà đi. Ông T lại cho rằng bà M có quan hệ ngoại tình với người đàn ông khác nên mới bỏ đi. Cả hai đều xác định tình cảm vợ chồng không còn nữa và cùng làm đơn ra tòa án đề nghị giải quyết.

          Xét thấy, mặc dù ông T, bà M có đủ điều kiện kết hôn, có được nghe việc phổ biến pháp luật và tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn không thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định. Căn cứ điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH ngày 09/6/2000 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định: “Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 02 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003;...

          Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng”. Bởi vậy, Tòa án quyết định không công nhận quan hệ giữa bà M và ông T là vợ chồng.

           Do ông T và bà M không phải là vợ chồng nên việc giải quyết tranh chấp về tài sản được giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể trong vụ án này, ông T và bà M không đề nghị tòa án giải quyết về con chung, nhưng có đề nghị phân chia tài sản. Tài sản phân chia trong trường hợp này được xác định không phải là tài sản chung hợp nhất (như tài sản được hình thành trong hôn nhân) mà giải quyết tương tự như trường hợp hủy hôn nhân trái pháp luật. Tại khoản 3 Điều 17 Luật HN & GĐ quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau: “…3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”.

           Hiện tại, bà M và ông T sống trên mảnh đất diện tích 191,1 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Phạm Văn T vào năm 2013. Nguồn gốc đất là do bố mẹ ông T cho bằng miệng. Tòa án không chấp nhận yêu cầu của bà M về việc chia đôi đất với lý do đây là tài sản riêng của ông T được bố mẹ cho riêng. Đối với tài sản trên đất gồm: Một ngôi nhà 1,5 tầng và công trình phụ là tài sản nằm trên diện tích đất 191,1 m2 trị giá là 150.144.500 đồng (xây dựng vào năm 2003 bằng tiền tiết kiệm, tiền đền bù khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của bà M, ông T và tiền bố mẹ ông T cho là 20.000.000 đồng), Tòa án xác định đây là tài sản chung nên chấp nhận chia đôi cho ông T và bà M mỗi người được một nửa giá trị. Giao cho ông T quản lý, sử dụng toàn bộ khối tài sản trên nhưng phải có nghĩa vụ trả cho bà M giá trị ½ tài sản chung bằng tiền là 75.072.250 đồng và tiền ách trích công sức là 60.000.000 đồng, cộng bằng 135.072.250 đồng.

          Qua vụ án này cho thấy, trong đời sống hiện nay vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn vẫn đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, khởi kiện ra tòa án thì mới nhận ra quyền lợi của của mình không được bảo đảm như trong quan hệ vợ chồng. Bởi vậy, các bên nam nữ nên thực hiện đúng quy định của pháp luật, có như vậy mới bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình, mà còn giúp cho xã hội ổn định và tốt đẹp hơn.

Nguyễn Thị Minh Ngọc -VKSND T.P Hưng Yên

 


Thông tin nội bộ