CHUYÊN MỤC / Kiểm sát viên viết

Nhận thức và áp dụng Khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015

25/09/2018 | 18575

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 về miễn trách nhiệm hình sự. Có quan điểm cho rằng, khi người phạm tội thỏa mãn những điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự mà không cần thiết phải ra Quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; tuy nhiên cũng có quan điểm bắt buộc phải ban hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, sau đó tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị can. Trong phạm vi bài viết này tác giả phân tích về tính khoa học pháp lý của điều luật cũng như thực tiễn áp dụng để các bạn đọc cùng nghiên cứu trao đổi.

     Qua thực tiễn áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy: Một số trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc tài sản (như tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tội vô ý gây thương tích…) người phạm tội đã có sự ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; giữa người phạm tội và bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại đã tự hòa giải, có trường hợp người phạm tội và bị hại cùng đến cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự do không có quy định mở. Việc truy cứu trách nhiện hình sự đối với các trường hợp trên là không cần thiết, không đạt được mục đích giáo dục của luật hình sự, gây lãng phí tốn kém về thời gian, tiền của nhà nước. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm những trường hợp có thể miễn trách nhiệm hình sự. Việc quy định thêm những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 - Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm khuyến khích người phạm tội có những hành động tích cực, như ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho bị hại hoặc đại diện của bị hại để giảm bớt hậu quả của tội phạm, nỗ lực đó đã thể hiện ý thức và trách nhiệm của người phạm tội đối với hành vi phạm tội cần được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận để xem xét có nên miễn trách nhiệm hình sự hay không. Để hiểu đầy đủ, đúng với bản chất và ý nghĩa của quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự. Trước hết chúng ta phải phân biệt và làm rõ được những khái niệm trách nhiệm nhiệm hình sự; miễn trách nhiệm hình sự; tội phạm và phạm tội là như thế nào dưới góc độ của khoa học pháp lý.

     Theo từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp thì trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm: nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu sự kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích. Từ khái niệm trên chúng ta thấy trách nhiệm hình sự được thực hiện thông qua hình phạt do Tòa án quyết định đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Trong nhiều trường hợp có thể đạt được mục đích của tư pháp hình sự, của phòng ngừa tội phạm mà không cần đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Do vậy luật hình sự có chế định về miễn trách nhiệm hình sự. Miễn trách nhiệm hình sự tức là không buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người đó thực hiện. Miễn trách nhiệm hình sự là miễn cho người phạm tội nghĩa vụ phải chịu những hậu quả pháp lý mà lẽ ra họ phải chịu về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng đối với người thực hiện hành vi chứa đựng các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm. Việc một hành vi được thực hiện không có dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể loại trừ hoàn toàn khả năng truy cứu trách nhiệm thì không thể đặt vấn đề miễn trách niệm hình sự đối với người không có nghĩa vụ trách nhiệm phải chịu trách nhiệm hình sự đối vì họ không có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Thực tiễn điều tra truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua cho thấy, người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn có thể phải chịu các biện pháp cưỡng chế phi hình sự thuộc các ngành luật tương ứng như buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật lao động… những biện pháp này có thể được coi là biện pháp hỗ trợ nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, thái độ của nhà nước đối với hành vi phạm tội của họ cho dù họ không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự của mình và cũng như thể hiện nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự.   

          Khoản 3 Điều 29 - BLHS năm 2015 có nêu một khái niệm là “người thực hiện tội phạm”, khái niệm này hoàn toàn khác về bản chất khái niệm “người phạm tội” quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 29 Bộ luật hình sự. Vậy một vấn đề đặt ra là chúng ta phải phân biệt được thế nào là tội phạm và thế là phạm tội thì mới có sự tuy duy và hiểu chính xác được nội dung và ý nghĩa của điều luật quy định. Khái niệm về tội phạm là bao gồm những yếu tố: Mặt khách quan đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại bộ luật hình sự, mặt chủ quan (lỗi của hành vi có thể là cố ý hoặc vô ý), khách thể (qua hệ xã hội được bộ luật hình sự bảo vệ, chủ thể thực hiện hành vi (người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có năng lực trách nhiệm hình sự). Còn phạm tội là hành động để thực hiện tội phạm có ý nghĩa là hành vi dấu hiệu của mặt khách quan tội phạm và phải được qua điều tra, truy tố, xét xử mới xác định hành vi phạm tội đó có phải là tội phạm hay không. Không phải mọi hành vi đều là tội phạm ví dụ như chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì hành vi đó không bị coi là tội phạm, hoặc trong trường hợp phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ… Phạm tội chỉ là một trong những phương thức để thực hiện tội phạm và là một phần trong tội phạm. Đã là tội phạm thì bao giờ cũng bao hàm cả khái niệm phạm tội tức là người phạm tội đã thỏa mãn các yếu tố của cấu thành tội phạm điều đó được các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh bằng một tội phạm cụ thể. Vì vậy muốn đánh giá hành vi đó có phải là tội phạm không phải qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì mới xác định là tội phạm.

     Vì vậy để nhận thức và áp dụng chính xác khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 thì bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án, bị can để điều tra xác minh, làm rõ những căn cứ tội phạm, những chuyển biến nỗ lực tích cực của bị can như bồi thường, khắc phục hậu quả, sự ăn năn về hành vi phạm tội, việc hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại, tình hình trật tự an toàn xã hội và những yếu tố khác tại địa phương để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không.

Nguyễn Minh Tiến- VKSND tỉnh Hưng Yên


Thông tin nội bộ