CHUYÊN MỤC / Kiểm sát viên viết

Lời cảnh báo trước thực trạng trẻ hóa tội phạm trên địa bàn tỉnh

09/08/2023 | 371

    Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người được cải thiện và nâng cao; khoa học phát triển, kèm theo là sự phát triển về công nghệ thông tin, giúp cho việc tiếp cận thông tin và hoạt động giao tiếp của con người trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những trang mạng chính thống với nhiều thông tin hữu ích thì đã có rất nhiều những trang mạng “đen” có những hình ảnh, nội dung phản cảm mà khi xem xong có thể dẫn đến những hành vi và suy nghĩ sai lệch. Cùng với đó là mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng chỉ có 12-13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhiều đối tượng trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), được xác định là “trẻ em” nhưng hành vi phạm tội không hề “ngây thơ”, thậm chí còn có phần “sành sỏi”, tính chất của hành vi rất manh động, gây mất an toàn cho xã hội.

Ảnh minh họa

     Những đứa trẻ phạm tội khi còn trong độ tuổi học trò

    Hồi 14 giờ ngày 07/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 02 bị cáo Nguyễn Tiến Q, sinh ngày 17/01/2006 bị xét xử về tội Mua bán trái phép chất ma túy và bị cáo Bùi Thị T sinh ngày 11/3/2006 bị xét xử về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

    Theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hưng Yên, khoảng 00 giờ 20 phút ngày 09/4/2023, tại tòa nhà C Westbay Ecopark, Nguyễn Tiến Q mang 01 viên ma túy tổng hợp có khối lượng 0,357 gam MDMA đi bán, đã bị Cơ quan CSĐT bắt quả tang. Qua đấu tranh, Nguyễn Tiến Q khai nhận đêm 08/4/2023 tại Phòng 0205 tòa nhà C Westbay Ecopark Q đã bán 1 chỉ Ketamine và 04 viên kẹo (ma túy tổng hợp) cho Lê N.A với số tiền 6.200.000 đồng. Sau khi mua được ma túy, N.A mang vào phòng để trên giường rồi bảo Bùi Thị T đi hơ nóng đĩa, lúc này N.A bật nhạc kết nối loa Bluetooth. Khi T mang đĩa đã hơ nóng vào, N.A đổ Ketamine ra xào để mọi người trong phòng cùng sử dụng. Khoảng 01 giờ 20 phút ngày 09/4/2023, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra phòng 0205 tòa nhà C Westbay Ecopark phát hiện các đối tượng đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Khi phạm tội Lê N.A mới 14 tuổi 1 tháng 21 ngày (N.A sinh ngày 18/02/2009), căn cứ Điều 12 BLHS, N.A chưa đủ tuổi chịu TNHS đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bùi Thị T có hành vi giúp sức chuẩn bị dụng cụ (hơ nóng đĩa) để Lê N.A tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi của Nguyễn Tiến Q đã phạm vào tội Mua bán trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự; hành vi của Bùi Thị T đã phạm vào tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự.

    Điều đáng nói là Q và T đều sinh ra trong những gia đình thuần nông, bản thân chưa có tiền án, tiền sự nhưng vì hạm chơi, thiếu đinh hướng nên lựa chọn cho mình ngã rẽ sai lầm; tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Nguyễn Tiến Q và bị cáo Bùi Thị T đều chưa đủ 18 tuổi. Tại phiên tòa, theo đề nghị của Viện kiểm sát, HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo theo đúng quan điểm, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Kết thúc phiên tòa, xét các tình tiết của vụ án, độ tuổi, nhân thân người phạm tội, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt mỗi bị cáo 02 năm tù. Phiên tòa là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và cũng nhận được sự quan tâm của quần chúng nhân dân.

    Sai lầm của con trẻ, trách nhiệm do đâu

     Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi: Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất trị, chúng có thể bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm. Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

     Sống trong môi trường bạo lực, thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu: Khi đứa trẻ sống trong môi trường mà cha mẹ không phải là những người mẫu mực, hành vi của cha mẹ thường ngày tác động đến tâm lý, thói quen của đứa trẻ thì sẽ dẫn đến đứa trẻ có những suy nghĩ, hành động như cha mẹ của chúng. Những ông bố, ba mẹ nghiện ngập, thường xuyên đánh đập, chửi bới, nói bậy, chửi tục và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì rất khó để có thể giáo dục những đứa con thành người lương thiện. Trong các môi trường tác động hình thành đến nhân cách của đứa trẻ thì môi trường gia đình là quan trọng nhất, đặc biệt là cách sống, lối sống, suy nghĩ của cha mẹ.

     Thiếu sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương: Theo pháp luật hiện hành, có đến 14 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, tuy nhiên khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại hoặc trẻ em gặp khó khăn, sa ngã thì đôi khi không có cơ quan nào lên tiếng hoặc có lên tiếng cũng chỉ qua loa cho hết trách nhiệm. Cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề bất cập. Luật Trẻ em hiện nay quy định có nhiều cơ quan cùng thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng lại chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát độc lập quyền trẻ em. Chỉ đến khi những đứa trẻ trở thành hư hỏng, thực hiện các hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì khi đó mới phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và kết quả giải quyết vụ án hình sự cho thấy còn những lỗ hổng cũng như sự thiếu trách nhiệm của người lớn, của cơ quan tổ chức trong hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em.

     Coi nặng giáo dục kiến thức văn hóa mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt: Chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nội dung giáo dục vẫn nặng về kiến thức, còn coi nhẹ vấn đề đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục pháp luật ở các bậc học, cấp học. Rất nhiều đứa trẻ không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội hoặc thiếu kỹ năng để kiểm soát hành vi, đến khi thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội thì mới ân hận.

     Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao: Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên còn nhiều bất cập, hạn chế...Những nguyên nhân này ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em.

Trần Thị Phương Chi- Phòng 1 Viện KSND tỉnh


Thông tin nội bộ