CHUYÊN MỤC / Nghiên cứu, trao đổi

Bất cập trong áp dụng khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 khi đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

27/09/2018 | 12178

Những năm gần đây xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người bị mắc bệnh tâm thần gây ra, mới nhất vào rạng sáng ngày 25/9/2018 đã xảy ra vụ thảm sát tại thôn Phú Mỹ, xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm 3 người tử vong và 4 người khác bị thương. Đối tượng gây án là Nguyễn Xuân Tiến (56 tuổi) có quan hệ họ hàng với các nạn nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định đối tượng Tiến khi thực hiện hành vi giết người bị trầm cảm, có dấu hiệu bệnh lý về thần kinh.

         Riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, từ năm 2016 đến nay đã xảy ra 39 vụ án giết người, trong đó có 4 vụ án mà đối tượng khi gây án mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (bị bệnh tâm thần). Điển hình đối tượng Bùi Kim Hiền, sinh năm 1974, đã giết vợ và mẹ vợ, làm thương bố vợ vào ngày 18/1/2016 tại ở thôn thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi; vụ Phan Văn Xiêm giết mẹ đẻ vào ngày 17/3/2018 tại thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu.

          Trong bài viết này tác giả đưa ra vấn đề lý luận và thực tiễn khi giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự của tội giết người do người có biểu hiện mắc bệnh lý tâm thần khi gây án và vướng mắc, bất cập khi áp dụng khoản 2 Điều 157- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để đình chỉ điều tra vụ án, bị can.

          Thực tiễn cho thấy, khi xảy ra vụ việc như trên, thông thường là xác định ngay được hung thủ gây án, bởi đối tượng không có ý thức che dấu hành vi của mình. Căn cứ vào hậu quả vụ việc, cơ quan điều tra tạm giữ đối tượng gây án, tiến hành các biện pháp tố tụng ban đầu, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với đối tượng gây án về tội giết người. Quá trình giải quyết vụ án, do nghi ngờ bị can mắc bệnh tâm thần, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định tư pháp; căn cứ vào kết quả giám định kết luận bị can mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi giết người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối tượng gây án, hủy bỏ biện pháp tạm giam và đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự.

          Dưới góc độ lý luận, việc đình chỉ điều tra bị can như trên với lý do hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự có vẻ không làm thỏa mãn đối với người thực thi pháp luật. Bởi lẽ, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội giết người, là một trong những yếu tố cấu thành tội giết người được quy định trong Bộ luật hình sự. Vậy nên cần hiểu đình chỉ theo khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự là đình chỉ đối với những hành vi không được mô tả trong mặt khác quan của tội phạm, như hành vi tước đoạt tính mạng của chính mình (tự vẫn), hoặc được mô tả trong mặt khác quan của tội phạm nhưng không thỏa mãn hết các dấu hiệu bắt buộc khác trong mặt khách quan của tội phạm (dấu hiệu bắt buộc về hậu quả, phương pháp, thủ đoạn phạm tội), ví dụ như: hành vi trộm cắp tài sản một chiếc mũ bảo hiểm xe máy có giá trị 200.000 đồng của người chưa có tiền án, tiền sự về hành vi chiếm đoạt hay như hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng hoặc gây tổn thương cơ thể cho một người với tỷ lệ dưới 61%,... Hơn nữa, nếu đình chỉ với lý do hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự trong trường hợp nêu trên sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bởi theo Khoản 3 Điều 18 - Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 có quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:

“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

...

3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

...

5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

          Trong khi đó, khoản 2 Điều 32 Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước quy định các trường hợp Nhà nước không bồi thường thiệt hại thuộc trường hợp: Được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự(1); Do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm (2); đình chỉ trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại khi người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố (3); Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử(4). Điều này đồng nghĩa với việc nếu cơ quan có thẩm quyền tố tụng đình chỉ theo khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (hành vi không cấu thành tội phạm) thì vẫn phải bồi thường theo Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước.

          Vậy nên, khi nói đến một người mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi giết người là nói đến một người cụ thể rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội phạm), khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội họ không có lỗi do không xác định được trạng thái tâm lý (không thỏa mãn dấu hiệu trong mặt chủ quan của tội phạm), đây là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015.

          Tuy nhiên, tại các Điều 230, Điều 248, Điều 282 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không viện dẫn quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 để làm căn cứ đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.

          Điều này cũng tương tự như các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại Chương IV- Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó các Điều 230, Điều 248, Điều 282 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng không viện dẫn quy định của Điều 20 (sự kiện bất ngờ), Điều 22 (Phòng vệ chính đáng), Điều 23 (Tình thế cấp thiết), Điều 24 (Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội), Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ), Điều 26 (Thi hành  mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên) để có căn cứ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.

           Bởi vậy, thực tế hiện nay các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đều căn cứ vào khoản 2 Điều 157 - Bộ luật tố tụng hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại Chương IV- Bộ luật hình sự năm 2015. Việc làm trên đã vấp phải vướng mắc khi thi hành Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước như phân tích ở trên.

          Để khắc phục bất cập ở trên, tác giả đề xuất sửa đổi các Điều 230, 248, 282 - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng bổ sung thêm các căn cứ quy định tại Điều 20, Điều 21, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 23, Khoản 1 Điều 24, Điều 25, 26 - Bộ luật hình sự năm 2015 để ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đồng thời đề nghị sửa đổi Điều 32 Luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước năm 2017 theo hướng bổ sung trường hợp Nhà nước không bồi thường thiệt hại khi người bị buộc tội thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự”./.

Nguyễn Cường - Viện KSND tỉnh Hưng Yên


Thông tin nội bộ