CHUYÊN MỤC / Tin trong ngành

Ngành Kiểm sát nhân dân đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác Quốc hội giao trong năm 2022

23/11/2022 | 658

Sáng 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, tại Hội trường Diên Hồng, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao trước Quốc hội. Báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí cho thấy, trong năm 2022, ngành KSND đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao trên nhiều mặt công tác quan trọng...

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/11.

 

Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2022, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên trong lĩnh vực trật tự xã hội đã xảy ra một số vụ án giết người thân, giết nhiều người; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” xuất hiện những thủ đoạn phạm tội mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng; tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh;...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành KSND đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Cụ thể, ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm 7,6%, tội phạm về trật tự xã hội giảm 2,9%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm ma túy xảy ra nhiều với quy mô rất lớn. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, 37,6%; đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, toàn Ngành đã kiểm sát việc thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm: 9.020 vụ án hành chính (tăng 11%); 416.990 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 2,2%). Nội dung các vụ việc hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; các vụ việc khác liên quan đến hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, hôn nhân và gia đình,...

Một số khó khăn, thách thức đối với Ngành Kiểm sát

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là đối với một số loại tội phạm mới phát hiện khởi tố, điều tra liên quan tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tội phạm tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao,... nhưng quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, vẫn còn một số bất cập; khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhất là liên quan đến đất đai; các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều...

Báo cáo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho thấy, trong năm 2022, ngành KSND
đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao trên nhiều mặt công tác quan trọng.

Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 thì công an cấp xã được thực hiện một số hoạt động trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhưng bộ máy ngành Kiểm sát chỉ bố trí đến 705 đơn vị hành chính cấp huyện, nay phát sinh thêm nhiệm vụ trên địa bàn hơn 10.000 công an cấp xã sẽ là áp lực lớn đối với ngành Kiểm sát. Theo luật định, Kiểm sát viên luôn phải đồng hành với Điều tra viên trong quá trình điều tra tội phạm nhưng hiện nay biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn đã tạo áp lực trong thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra của Ngành.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập. Cụ thể là: Cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ với môi trường, tính chất công việc về cơ bản là như nhau, nhưng chế độ chính sách của Kiểm sát viên các cấp, Điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao lại khác biệt, chênh lệch khá lớn so với các Điều tra viên ở ngành Công an, Quân đội.

Công tác chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Viện trưởng VKSND tối cao

Ngay từ đầu năm 2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, đồng bộ, sát sao, quyết liệt cho cả năm công tác 2022 của toàn ngành KSND. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2022 với 4 mục tiêu lớn, 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cấp mình phụ trách. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; gắn công tác xây dựng đơn vị, xây dựng Ngành với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu tính nêu gương, trách nhiệm và bản lĩnh trong công tác lãnh đạo, quản lý trong tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/11.

Thứ hai: Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện công tác luân chuyển, điều động, biệt phái lãnh đạo quản lý; xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ quản lý VKSND các cấp thông qua việc phân công, giao nhiệm vụ mới là lĩnh vực, khâu công tác quan trọng hoặc quản lý địa bàn khó khăn, phức tạp để thử thách, đào tạo một cách toàn diện. Chú trọng việc lựa chọn người đứng đầu các cấp Kiểm sát đảm bảo “chọn người theo việc”, có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, chính trị để vừa đáp ứng được yêu cầu công việc vừa tạo sự lan tỏa, là tấm gương cho người khác học tập, noi theo; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực và bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba: Xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ngành, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, “án tại hồ sơ”, không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đấy.

Cẩn trọng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả (theo quy định của pháp luật). Đồng thời chỉ đạo ban hành các quy chế, quy định, quy trình về nghiệp vụ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên sâu. Yêu cầu Thủ trưởng Viện kiểm sát các cấp tăng cường chỉ đạo kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan để phòng ngừa vi phạm, tội phạm; nâng cao chất lượng kháng nghị, đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục.

Thứ tư: Viện trưởng VKSND tối cao đã yêu cầu các Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả công tác giải quyết các vụ án, vụ việc hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại... và đánh giá, xếp loại thành tích cá nhân hằng năm của người đứng đầu nhằm tăng cường trách nhiệm và hiệu quả công tác trong lĩnh vực này.

Thứ năm: Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương; tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng năm đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào và tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về hình sự với một số nước theo kế hoạch đã đề ra.

Kết quả nhiều mặt công tác đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Một là, toàn Ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 148.478 nguồn tin về tội phạm (tăng 2,8%); ban hành 117.673 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 7,2%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.617 cuộc tại Cơ quan điều tra (tăng 23,2%)… Yêu cầu khởi tố 560 vụ án; ra quyết định hủy 94 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật. Trực tiếp ra 18 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 8/11.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 114.060 vụ/181.298 bị can (tăng 3,2% số bị can). Ban hành 82.050 yêu cầu điều tra. Trực tiếp, tham gia lấy lời khai 41.637 người. Trực tiếp hỏi cung 31.412 bị can, không phê chuẩn 432 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; hủy 589 quyết định tạm giữ, 23 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật của Cơ quan điều tra; số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt 4,99%).

Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 93.015 vụ/175.853 bị cáo (tăng 4,7% về số vụ, 11,1% về số bị cáo). Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện nhiều vi phạm và đã ban hành 875 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỉ lệ 75,5% (vượt 5,5%); ban hành 132 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận 77,6% (vượt 2,6%).

Công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều tiến bộ: Tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 75,4% (vượt 5,4%); tỉ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,9% (vượt 1,9%); tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6% (tăng 23% so với cùng kỳ và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Hai là, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.600 tỉ đồng.

Ba là, tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Toàn ngành đã kiểm sát giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm: 12.049 vụ án hành chính, (tăng 9,7%); 434.823 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 2,2%).

Số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 58,6%, án dân sự tăng 16,1%; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự và kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; đã ban hành 16.913 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm (tăng 7,8%). Chất lượng kháng nghị được bảo đảm, tỉ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,6% (vượt 19,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Bốn là, ngành Kiểm sát đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được Quốc hội thông qua; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 11 thông tư liên tịch, 39 nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự…

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ về cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Đảng đoàn Quốc hội giao.

Năm là, VKSND tối cao đã đề nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết phê duyệt bổ sung 7 thành viên, hiện Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao có 15 thành viên; toàn Ngành đã điều động, bổ nhiệm, biệt phái 612 lãnh đạo VKSND các cấp; bổ nhiệm 1.486 Kiểm sát viên các ngạch.

Một số nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023 của ngành Kiểm sát

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2023, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thứ hai: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba: Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất. Thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiệp vụ của các đơn vị trong Ngành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Thứ tư: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp kiểm sát; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tối cao, cấp cao về địa phương và ngược lại, đặc biệt chú ý luân chuyển ở những địa bàn trọng điểm, có số lượng công việc lớn, phức tạp, những lĩnh vực công tác quan trọng, nhạy cảm để rèn luyện thử thách cán bộ, đào tạo toàn diện cán bộ đáp ứng yêu cầu “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”, khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác”, phòng ngừa tiêu cực.

Thứ năm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành; triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các phần mềm quản lý nghiệp vụ và phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của VKSND các cấp.

Thứ sáu: Nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Thứ bảy: Tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép ngành KSND thực hiện cơ chế về kinh phí tương ứng với đặc thù công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất

Cuối phần trình bày Báo cáo công tác năm 2022, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội một số nội dung như sau:

Một là, xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, hiện nay, trong thực tế, cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) nên trong chính sách hình sự chúng ta cần phân định, có chính sách xử lý phân hoá như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục.

Đồng thời, xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Ba là, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về chế định kiểm sát tố tụng dân sự công, tố tụng hành chính công trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của VKSND trong việc khởi kiện bảo vệ lợi ích công bị xâm hại trong các lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, dược phẩm, an toàn thực phẩm, quyền và lợi ích của người có công... 

Bốn là, tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.

Năm là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm. Vì với tính chất công việc tương đồng như nhau nhưng Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều được hưởng chế độ kinh phí chi thực tế.

Sáu là, đề nghị Quốc hội xem xét, có cơ chế cho phép các cơ quan tư pháp sử dụng kinh phí từ nguồn thu qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để bổ sung kinh phí đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, phục vụ hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Cuối cùng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao (VKSND tối cao đã có tờ trình số 13/TTr-VKSTC ngày 29/8/2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để ngành Kiểm sát có đủ cán bộ có chức danh tư pháp để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vũ Cảnh (bvpl.vn)


Thông tin nội bộ