CHUYÊN MỤC / Xây dựng ngành

Kiểm sát tốt các vụ án hình sự, bảo đảm không làm oan người vô tội

13/10/2017 | 13

          Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Kết luận số: 92-KL/TW ngày 12.3.2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành là nâng cao công tác kiểm sát đối với 100% các vụ án hình sự, bảo đảm không để xảy ra oan sai, lọt người, lọt tội, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

          Bị cáo Lê Thị Vân bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lữ khởi tố (vụ án sau đó được rút lên Công an tỉnh thụ lý điều tra) về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và ra lệnh khám xét chỗ ở. Quá trình khám xét, cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ một số ma túy, anh Nguyễn Thành Chung - chồng chị Vân là người chứng kiến và được mời đến Công an huyện Tiên Lữ để làm việc. Sau khi anh Chung bỏ trốn, Công an huyện Tiên Lữ đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thành Chung. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát, VKSND tỉnh nhận thấy việc cơ quan điều tra (CQĐT) ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thành Chung trong khi đã làm việc với đối tượng và đã thu giữ được ma túy là vi phạm trong việc áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp theo Bộ luật tố tụng hình sự, vì vậy VKSND tỉnh đã ban hành kiến nghị số 04/KN-VKS ngày 30.11.2016 yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, cá nhân rút kinh nghiệm và được Công an tỉnh chấp nhận. Đây là 1 trong số 34 kiến nghị trong năm 2016 của VKSND hai cấp với CQĐT yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra và đều được CQĐT tiếp thu thực hiện. Bên cạnh đó, VKSND hai cấp trả hồ sơ cho CQĐT cùng cấp để điều tra bổ sung 15 vụ án với nguyên nhân tách, nhập các vụ án, phát sinh thêm tình tiết mới trong quá trình tố tụng. Điển hình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, VKSND hai cấp đã phát hiện, yêu cầu CQĐT khởi tố 36 vụ án với 31 bị can, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu biểu như vụ án: Phạm Ngọc Hoàng (Khoái Châu) bị truy tố về tội Giết người và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Nguyễn Đức Hòa (Văn Giang) phạm tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Trong quá trình kiểm sát, VKSND tỉnh nhận thấy có đầy đủ chứng cứ để khởi tố thêm bị can Nguyễn Quang Chiến (Văn Giang) nên đã yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố bị can Chiến và được cơ quan này đồng ý.

          Đối với VKSND thành phố Hưng Yên, năm 2016 đã thực hiện tốt đột phá trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Nắm, quản lý tin báo, tố giác tội phạm từ nhiều nguồn khác nhau nên đơn vị đã đôn đốc cơ quan điều tra hoặc yêu cầu khởi tố kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Lê Duy Tường, Viện trưởng VKSND thành phố Hưng Yên cho biết: Năm 2016 VKSND thành phố đã phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố đưa ra xét xử lưu động nhiều vụ án hình sự. Với bản luận tội của mình, kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Trong công tác kiểm sát xét xử hình sự VKSND thành phố đã có nhiều biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo đảm việc tranh tụng dân chủ và bình đẳng với những người tham gia tố tụng. Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, VKSND thành phố đã ban hành kiến nghị và được Tòa án nhân dân chấp nhận, rút kinh nghiệm. Các vụ án trọng điểm được tập trung khẩn trương giải quyết một cách nghiêm minh theo đúng pháp luật, có tác dụng tốt trong giáo dục, phòng ngừa được cấp ủy địa phương và ngành cấp trên đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Một buổi họp giao ban của VKSND thành phố Hưng Yên

          Thực hiện tốt khâu đột phá: Tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng hình sự , hàng năm VKSND tỉnh đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ với các chuyên đề như: giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; kiến nghị khởi tố điều tra; kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa...nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các phòng nghiệp vụ và VKSND cấp huyện đã gặp phải. Đối với những vụ án khó, án trọng điểm, VKSND cấp huyện có thỉnh thị do không thống nhất được quan điểm giải quyết vụ án với CQĐT cùng cấp, VKSND tỉnh chủ động phối hợp với CQĐT Công an tỉnh để có sự chỉ đạo thống nhất nhằm giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chú trọng tới khâu kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Năm 2016, VKSND hai cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 962 vụ với 1.743 bị can, chủ động ra văn bản yêu cầu điều tra, đôn đốc CQĐT đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, bám sát quá trình điều tra, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án. Qua kiểm sát cho thấy hoạt động điều tra, kết luận điều tra đề nghị truy tố, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ đã cơ bản tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và có căn cứ pháp luật. Không để xảy ra trường hợp nào bị khởi tố, bắt giữ oan, sai, trái pháp luật, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm 2,1%.

          Xác định tranh luận tại phiên tòa là giai đoạn trọng tâm, thể hiện vai trò của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, giúp Hội đồng xét xử có cơ sở khi nghị án, tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, năm qua VKSND tỉnh tham dự đột xuất 21 phiên tòa sơ thẩm hình sự nhằm theo dõi, nắm bắt việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Kiểm sát viên, từ đó có sự đánh giá đối với hoạt động thi đua của từng đơn vị, cá nhân. Bên cạnh đó, VKSND hai cấp đã chỉ đạo, yêu cầu mỗi Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự cần đẩy mạnh hoạt động tranh tụng, làm rõ những ý kiến, mâu thuẫn trong quá trình xét hỏi bảo đảm khách quan, áp dụng những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Từ đó, đề xuất hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, phù hợp với các quy định của pháp luật. Kiểm sát viên Nguyễn Minh Tiến cho biết: Trước mỗi phiên tòa, Kiểm sát viên phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá hệ thống các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, từ đó chuẩn bị đề cương xét hỏi và dự thảo luận tội sát hơn với nội dung vụ án. Nhờ đó, việc trình bày luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa có chất lượng và sức thuyết phục đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Các ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa đều được Hội đồng xét xử đánh giá cao. Năm 2016 VKSND đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp mở 73 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm có Kiểm sát viên hai cấp tham dự. Sau mỗi phiên tòa đều tổ chức họp các cơ quan tiến hành tố tụng để chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những hạn chế cần khắc phục để rút kinh nghiệm chung. Các bản luận tội, cũng như đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên không những có đủ căn cứ, sức thuyết phục cao mà còn có tính giáo dục góp phần trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

          Với sự nỗ lực của ngành Kiểm sát và các ngành làm án, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng làm oan người vô tội, không có trường hợp nào VKSND truy tố Tòa án nhân dân xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Ghi nhận những thành tích đó, nhiều năm liền VKSND tỉnh được VKSND tối cao tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, thành tích của ngành Kiểm sát đã góp phần giữ vững an ninh chính trị của địa phương.

Hồng Ngọc


Thông tin nội bộ