CHUYÊN MỤC / Đầu tư đấu thầu

Viện KSND huyện Văn Lâm, những giải pháp: "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".

13/10/2017 | 457

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị đã được thể chế tại Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2003. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm được đặt ra với ngành Kiểm sát là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử hình sự, coi đây là khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, trong nhiều năm qua, lãnh đạo VKSND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Viện kiểm sát các huyện, thành phố, phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và coi đây là một chỉ tiêu thi đua hàng năm để đánh giá kết quả công tác. Có thể nói Hưng Yên là một trong những tỉnh triển khai việc phối hợp với Tòa án hai cấp tổ chức các phiên tòa nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp từ rất sớm trước khi có chỉ đạo chung của VKSND tối cao với nhiều tên gọi như: Phiên tòa 08, Phiên tòa cải cách tư pháp và đến nay là Phiên tòa rút kinh nghiệm.

            Qua nhiều năm tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cho thấy công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự nói chung cũng như việc xây dựng bản cáo trạng, luận tội, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kiểm sát viên đã có nhận thực đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKSND cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự, xác định rõ hơn các yêu cầu của cải cách tư pháp. Chất lượng hoạt động tranh luận đã được nâng lên đáng kể, Kiểm sát viên về cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm cho việc giải quyết vụ án ngày càng có chất lượng tốt hơn, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng bị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tuyên không phạm tội.

            Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn thông qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá hệ thống các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án, từ đó chuẩn bị đề cương xét hỏi và dự thảo luận tội sát hơn với nội dung vụ án.Việc trình bày luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa có chất lượng và sức thuyết phục đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.

            Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện đối với các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố đối với các hoạt động tố tụng đã được thực hiện một cách thường xuyên kịp thời và có hiệu quả cao hơn, cụ thể: Chỉ đạo lựa chọn các vụ án có tính chất phức tạp và có nhiều người tham gia tố tụng, bị cáo không nhận tội, có luật sư bào chữa, chỉ đạo việc phối kết hợp với Tòa án trước khi xét xử. Sau mỗi phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phải tự kiểm điểm đánh giá những việc đã làm được cũng như các vấn đề còn tồn tại, ý kiến tham gia của các Kiểm sát viên tham dự, những ý kiến chỉ đạo rút kinh nghiệm của lãnh đạp Viện, đồng thời thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Từ đó đã phát huy được những mặt làm tốt, khắc phục hạn chế những mặt còn tồn tại.

            Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, các bản cáo trạng, luận tội có chất lượng tốt được phổ biến học tập. Bên cạnh đó ngoài việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm có các Kiểm sát viên trong và ngoài đơn vị tham sự, lãnh đạo Viện còn chỉ đạo Viện kiểm sát các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ trong đơn vị và tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, coi việc tổ chức phiên tòa nội bộ là hoạt động thường xuyên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự để không chỉ phiên tòa rút kinh nghiệm mà các phiên tòa xét xử hình sự đều phải đảm bảo chất lượng hiệu quả.

            Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và những mặt đã làm tốt thì hoạt động của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự vẫn còn một số dạng tồn tại như: Lãnh đạo một số đơn vị đặc biệt là cấp huyện việc chỉ đạo còn chưa sát sao. Kiểm sát viên chưa nghiên cứu sâu kỹ hồ sơ, chưa tập trung theo dõi mọi diễn biến tại phiên tòa để chủ động tham gia xét hỏi kiểm tra chứng cứ dẫn đến hạn chế chất lượng tranh tụng tại phiên toà.

            Để nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự dần đáp ứng đòi hỏi của quá trình cải cách tư pháp chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

            * Thứ nhất: Phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm của lãnh đạo VKSND trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cụ thể.

            Đối với lãnh đạo: Phải tập trung chỉ đạo tốt công tác kiểm sát điều tra cũng như chất lượng xây dựng bản cáo trạng, công tác chuẩn bị tham gia xét xử như: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, nắm vững nội dung vụ án, hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các nội dung khác có liên quan. Thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ và thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết cũng như dự kiến việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa của Kiểm sát viên.

            Đối với kiểm sát viên: Ngoài việc kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án, trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi mọi diễn biến tại phiên tòa, chủ động tham gia xét hỏi để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trả lời các ý kiến của bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng, nhất là những ý kiến phản bác lại luận tội để chủ động tranh luận, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

            * Thứ hai: Kiểm sát viên phải thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về tham gia phiên tòa hình sự như: Kỹ năng trình bày bản cáo trạng, bản luận tội, kỹ năng diễn đạt, đối đáp trôi chảy, khả năng phản xạ linh hoạt trước các vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa… Phải thể hiện sự ứng xử có văn hóa trong thái độ, trong cách xưng hô tại phiên tòa. Đảm bảo tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, nhất là những người tham gia tranh tụng với mình. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải tích cực nghiên cứu, học tập để nắm vững các quy định của pháp luật về hình sự, các luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn pháp luật.

            * Thứ ba: Đề nghị VKSND tối cao, các  vụ nghiệp vụ cần quan tâm sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm trong hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên trong toàn ngành. Bên cạnh đó cần đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự cũng như đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Kiểm sát.

                       

                                                               Nguyễn Văn Tuấn

                                              Viện trưởng VKSND huyện Văn Lâm


Thông tin nội bộ