CHUYÊN MỤC / Đầu tư đấu thầu

Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm là người chưa thành niên

13/10/2017 | 697

           Trong tháng 9 năm 2016 Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ đã đưa ra xét xử 02 vụ án do người chưa thành niên phạm tội đều về hành vi trộm cắp tài sản...

           Vụ án thứ nhất: Khoảng 02 giờ ngày 12/5/2016, lợi dụng gia đình ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên sơ hở không khóa cửa trùng tầng 2,  Đoàn Văn Thanh, sinh ngày 28/12/1998  đã đột nhập vào nhà ông Hiền lục soát, trộm cắp tài sản là thuốc lá trị giá 852.000 đồng và 01 con lợn sứ bên trong có 4.040.000 đồng. Khi Thanh chưa kịp rời khỏi hiện trường thì bị ông Hiền phát hiện hô hoán bắt giữ. Đáng lưu ý, năm 2012 Thanh đã bị Công an xã Hải Triều xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, tiếp đó tháng 10/2015 Thanh bị Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ xử phạt 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo về tội cướp tài sản.

            Vụ án thứ 2: Khoảng 01 giờ ngày 25/6/2016, Ngô Hải Đăng sinh ngày 29/6/1999 ở thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ lợi dụng gia đình ông Trần Xuân Hòa  ở cùng thôn sơ hở khi đi ngủ không khóa cửa, Đăng đã lẻn vào nhà ông Hòa trộm cắp 01 điện thoại di động hiệu Iphone 5 trị giá 3.000.000 đồng mang đi bán lấy tiền chơi game và tiêu sài cá nhân.

            Cả Đoàn Văn Thanh và Ngô Hải Đăng đều thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Cả hai mới học đến lớp 8 thì bỏ học, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sống trong môi trường không được hưởng sự quan tâm, chăm sóc, quản lý của bố mẹ, sự dạy dỗ, giáo dục của nhà trường. Trong đó bố mẹ Thanh đã ly thân nhau từ lâu, mỗi người một nơi, Thanh ở cùng bố và bà nội, bố lại thường xuyên đi làm ăn xa, buông lỏng sự quản lý đối với con. Còn Đăng có bố bị mắc bệnh nặng lại nghiện rượu, mẹ mải đi làm thuê làm mướn đầu tắt mặt tối lăn lộn mưu sinh. Khi thấy con chơi bời lêu lổng thì mắng chửi, đuổi ra khỏi nhà, từ đó tạo cho Đăng tâm lý chán nản, đi lang thang hoặc vào các quán game làm điểm dừng chân chơi thâu đêm suốt sáng, đến lúc không có tiền tiêu sài dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội như đã nêu trên.

            Câu chuyện của Thanh và Đăng chỉ là một trong những ví dụ điển hình đã và đang diễn ra không chỉ ở riêng địa bàn huyện Tiên Lữ. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với gia đình, nhà trường và toàn xã hội về loại đối tượng phạm tội này. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp gì để góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra.

            Về nguyên nhân dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội:

            - Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên là người chưa ổn định về tâm sinh lý, còn bị hạn chế về nhận thức, thiếu kinh nghiệm sống, chưa có khả năng đánh giá đúng đắn sự việc, nhất là đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì chưa nhận thức được đầy đủ tính chất, không lường hết được hậu quả của nó. Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này nhu cầu học theo, bắt chước những gì các em thấy thông qua bạn bè và các phương tiện thông tin khiến cho hành vi và nhận thức khó kiểm soát. Khi đó, nếu thiếu đi sự định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì nguy cơ phạm tội sẽ càng trở nên rõ rệt. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.

            - Nguyên nhân xuất phát từ gia đình:  Đa phần người chưa thành niên phạm tội đều rơi vào gia đình hoàn cảnh khó khăn hoặc éo le như bố mẹ ly hôn, ly thân… Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo dẫn đến con bỏ học, chơi bời hư hỏng mà bố mẹ không biết. Thiếu sự kèm cặp, giáo dục của gia đình cho nên các em quen với lối sống tự do, buông thả, dễ tiếp thu những mặt trái, từ đó các em dễ đi vào con đường phạm tội.

            - Nguyên nhân xuất phát từ môi trường giáo dục ở nhà trường: Nhà trường là một môi trường giáo dục quan trọng để giúp cho các em ở lứa tuổi vị thành niên hình thành nhân cách, định hướng cho các em trong cuộc sống sau này. Nếu không được giáo dục một cách toàn diện, lại sớm phải va chạm với thực tế cuộc sống khó khăn, dễ  dẫn đến sự chán đời, lười học và bỏ học, từ đó nảy sinh tình trạng tụ tập, chơi bời, dấn thân vào con đường phạm tội.

            - Nguyên nhân xuất phát từ môi trường xã hội: Sự thay đổi quá nhanh của xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, bên cạnh những tích cực do khoa học, công nghệ mang lại thì cùng với nó sự phát triển của các tệ nạn xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng, tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi, thích tự lập, thích được thể hiện mình nên dễ bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo vào những hành vi xấu. Sự phát triển đa dạng của các trò chơi bạo lực, đẫm máu, những trang web thiếu lành mạnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của các em và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn các em đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

            - Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong quần chúng nhân dân nhất là thanh thiếu niên chưa được coi trọng đúng mức. Do vậy, việc nắm vững pháp luật và thực hiện pháp luật còn hạn chế, nhiều em chưa nhận thức đầy đủ về tội phạm, tính nguy hiểm của hành vi do mình gây ra. Có trường hợp đối tượng là người chưa thành niên khi thực hiện hành vi mà không biết rằng đó là hành vi phạm tội.

            Với những nguyên nhân đã được phân tích ở trên, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra  cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

            - Về phía gia đình: Gia đình phải quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho con em mình ngay từ khi còn nhỏ. Bởi giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa là giáo dục cách làm người, cách đối nhân xử thế. Khi người chưa thành niên biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội. Gia đình cần định hướng cho các em biết mình nên làm gì và không được làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội.

            - Về phía nhà trường: Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em, do vậy song song với việc giáo dục kiến thức thì cũng cần chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống tuân thủ pháp luật, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Bên cạnh đó cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.

            - Ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia cần xây dựng các “tủ sách pháp luật tại địa phương”, thường xuyên cập nhật những văn bản pháp luật mới giúp các em có khả năng tiếp cận với các thông tin về pháp luật nhanh nhất, qua đó nâng cao được nhận thức về tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội của lứa tuổi mình qua đó sẽ hạn chế được việc thực hiện tội phạm, bảo đảm tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.

            Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là công tác giáo dục lại những thanh thiếu niên có những hành vi lệch chuẩn về chuẩn mực đạo đức và xã hội, giúp các em sửa chữa lỗi lầm, sống lương thiện để hòa nhập với cộng đồng. Do đó, quản lý, giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải có sự chung tay tích cực và đồng bộ từ phía gia đình, nhà trường cũng như của toàn xã hội.

Trương Thị Duyên


Thông tin nội bộ