CHUYÊN MỤC / Đầu tư đấu thầu

Một số kinh nghiệm và giải pháp của VKSND huyện Kim Động trong việc "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"

13/10/2017 | 732

Thứ nhất:

Thứ nhất: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và công tác tổ chức cán bộ

Viện trưởng Viện KSND huyện Kim Động đã quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, chủ động đề ra các biện pháp cụ thể và chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch công tác hàng năm nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

Tăng cường sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thông qua chế độ họp giao ban, báo cáo cụ thể tình hình và kết quả, những vấn đề có khó khăn, vướng mắc trong khâu công tác này. Thực hiện phân công các Kiểm sát viên, các cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án được dư luận quan tâm. Huy động trí tuệ tập thể của lãnh đạo Viện để giải quyết những vấn đề phức tạp còn có quan điểm khác nhau khi cần thiết. Trong trường hợp nếu không thống nhất quan điểm giải quyết thì có văn bản thỉnh thị xin đường lối giải quyết của cấp trên. Lãnh đạo Viện kiểm sát được phân công nhiệm vụ trực tiếp thực hành quyền công tố và chỉ đạo giải quyết án hình sự thường xuyên quan tâm nắm tình hình, tiến độ và kết quả điều tra thu thập chứng cứ đối với các vụ án, trực tiếp yêu cầu Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên báo cáo cụ thể khi cần thiết. Đối với các vụ án phức tạp, rất nghiêm trọng phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, chỉ đạo việc đề ra các yêu cầu điều tra, chủ động họp bàn với thủ trưởng Cơ quan điều tra thống nhất biện pháp điều tra, giải quyết vụ án.

Tăng cường công tác kiểm tra của lãnh đạo đơn vị với các bộ phận và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong thực thi nhiệm vụ. Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kết hợp nghe báo cáo với xem xét việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên thông qua hồ sơ kiểm sát án hình sự, kịp thời phát hiện những thiếu sót để chỉ đạo khắc phục, đảm bảo hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ, đúng pháp luật. Lãnh đạo đơn vị khi nghe báo cáo án, quyết định việc truy tố phải xem xét kỹ lưỡng, cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ trước khi quyết định. Khi phát hiện những thiếu sót cần điều tra bổ sung thì kiên quyết thực hiện, không chạy theo thành tích.  

Chỉ đạo Kiểm sát viên, cán bộ mở sổ theo dõi đầy đủ, kịp thời để tích lũy vi phạm của Cơ quan điều tra để tổng hợp ban hành kiến nghị. Phân công cán bộ ghi chép, quản lý tốt các loại sổ sách thụ lý, theo dõi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Vì vậy trong năm đơn vị đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 02 vụ án, Cơ quan điều tra đều đã khởi tố. Theo dõi việc kiểm sát các vụ án hình sự và nhắc nhở Kiểm sát viên đối với các vụ án chuẩn bị hết hạn điều tra, hết hạn tạm giam. Đảm bảo các vụ án đều được kiểm sát điều tra ngay từ đầu, lãnh đạo đơn vị trực tiếp kiểm tra việc trích cứu, thiết lập hồ sơ kiểm sát điều tra, trực tiếp duyệt các yêu cầu điều tra, vì vậy các yêu cầu điều tra đều đảm bảo chất lượng, chính xác và kịp thời. Yêu cầu Kiểm sát viên thực hiện việc mỗi vụ án phải có ít nhất 2 yêu cầu điều tra, phải thường xuyên bám sát tiến độ điều tra của Cơ quan điều tra. Thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi kết thúc điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.

Thứ hai: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên trên cơ sở thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự

Mặc dù Kiểm sát viên đều là những người được đào tạo chuyên sâu, có năng lực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một số Kiểm sát viên vẫn chưa thật sự làm hết trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Do vậy, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên, trên cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu của quy chế nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra từ đầu trong việc khởi tố vụ án, bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trực tiếp tham gia các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra. Đảm bảo hoạt động điều tra, biên bản về hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng tuân thủ các qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Chú trọng kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi; thực nghiệm điều tra; khám xét, thu thập dấu vết, tài liệu, vật chứng; hỏi cung bị can, ghi lời khai nhân chứng, đối chất; kết hợp giữa việc trực tiếp tham gia hoạt động điều tra với kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ điều tra của Điều tra viên. Trên cơ sở đó chủ động đề ra yêu cầu điều tra cụ thể, thu thập đầy đủ chứng cứ trước khi kết thúc điều tra. Khi hồ sơ được chuyển đến Viện kiểm sát để truy tố, Kiểm sát viên phải khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đảm bảo chứng cứ được thu thập phải khách quan, đầy đủ, đúng thủ tục tố tụng.

Thứ ba: Tăng cường quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan.

Trước tiên cầnphối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong công tác phân loại, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm. Chủ động cùng với Cơ quan điều tra nghiên cứu các tài liệu xác minh ban đầu về tội phạm để thống nhất quan điểm giải quyết đảm bảo các quyết định khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, có khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ, thì cùng nghiên cứu, xác định phương hướng xác minh, bổ sung chứng cứ xác định tội phạm để khởi tố tiến hành điều tra. Chủ động thực hiện tốt chức năng công tố ngay từ khi có thông tin về tội phạm. Duy trì tốt việc họp ba ngành làm án hàng tháng và tiến hành họp 2 ngành (Viện kiểm sát- Cơ quan điều tra) khi có những vụ việc phức tạp để họp bàn cùng nhau tháo gỡ kịp thời.

Nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, tạo điều kiện để Kiểm sát viên chủ động, tích cực tham gia các hoạt động điều tra do Điều tra viên tiến hành, chủ động đề ra yêu cầu điều tra cụ thể trong từng vụ án. Đơn vị đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết án hình sự. Quy chế đã quy định cụ thể hóa các biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng cường được trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra.

                                  Đặng Thị Thu Hường- VT - VKSND huyện Kim Động

 

Thông tin nội bộ